Người đứng đầu OPEC cảnh báo: Thiếu đầu tư vào dầu mỏ đến mức ‘nguy hiểm’ có thể đẩy giá lên 100 USD
Đến năm 2030, nửa tỷ người có thể di cư đến các thành phố trên khắp thế giới, đẩy nhu cầu năng lượng tăng cao.
Người đứng đầu OPEC đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu đầu tư vào dầu mỏ là mối đe dọa “nguy hiểm” đối với an ninh năng lượng và đã bác bỏ ý kiến cho rằng chỉ cần năng lượng tái tạo là đã có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai.
“Việc thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ là rất nguy hiểm,” Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Hai (02/10). “Và tôi tin rằng điều quan trọng là thế giới phải hiểu vấn đề này một cách đúng đắn, rằng bằng việc đầu tư dưới mức cần thiết, chúng ta thực sự đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng. Thế giới sẽ cần ít nhất 12 ngàn tỷ USD đầu tư trên toàn cầu cho ngành dầu mỏ từ nay đến năm 2045. Có nguy cơ rất thật là giá cả, và sự biến động giá sẽ gia tăng khi nhu cầu tăng lên.”
Ông Ghais đã gọi thiếu đầu tư là một trong những yếu tố chính có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng. Dầu thô Brent được giao dịch ở mức khoảng 91 USD/thùng vào lúc 04 giờ 40 phút chiều giờ miền Đông hôm 03/10, tăng từ mức khoảng 71 USD vào cuối tháng Sáu.
“Chúng ta đang nói về dân số toàn cầu, trong vòng sáu, bảy năm tới, đến năm 2030, chúng ta sẽ có hơn nửa tỷ người chuyển đến các thành phố trên toàn cầu. Không có cách nào khác để chúng ta có thể đáp ứng yêu cầu về nhu cầu năng lượng này trong tương lai nếu chỉ dựa vào năng lượng tái tạo.”
Ông cũng chỉ trích Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vì tuyên bố rằng trong vòng sáu đến bảy năm tới, “nhu cầu về dầu có thể giảm tới 25 hoặc 30%.”
Ông Ghais nói, “Hãy để tôi trả lời theo cách này bằng cách nói rằng 30 năm trước, mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch là 80% trên toàn cầu. Ngày nay đã là 30 năm sau rồi, mà tỷ lệ này vẫn ở mức 80 hoặc hơn 80%.”
“Vì vậy, để mà bước ra rồi dự đoán điều đó sẽ xảy đến trong năm hoặc sáu năm nữa, với tất cả những thách thức đang phải đối mặt với việc ra mắt xe điện, sự thâm nhập của xe điện trên toàn cầu, sự sẵn có của các khoáng sản trọng yếu trên toàn cầu, và các vấn đề địa chính trị, hậu cần chuỗi cung ứng, quy mô và khối lượng điện khí hóa cần thiết trên toàn cầu để có thể chuyển sang một thế giới dùng điện — đó là một thách thức to lớn.”
Việc thiếu đầu tư vào dầu mỏ “khiến tôi mất ngủ,” ông nói. “Tôi nói, nếu chúng ta lo lắng về sự biến động ngày hôm nay, thì tôi không biết giá sẽ còn biến động như thế nào nữa trong tương lai.”
Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đã cảnh báo về tình trạng này vào đầu năm nay (2023). Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng Ba, Giám đốc điều hành Amin Nasser nói rằng “tình trạng thiếu đầu tư liên tục vào dầu ở thượng nguồn và thậm chí ở cả hạ nguồn vẫn tồn tại” trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, với các mỏ dầu đang cạn kiệt, “quý vị cần đầu tư nhiều hơn,” ông nói, đề cập đến thực tế là chi phí khoan tiếp tục tăng khi các mỏ dầu bị khai thác nhiều và dần cạn kiệt.
Tốc độ suy giảm trung bình của một mỏ dầu là khoảng 6%, nghĩa là trong một hệ thống sản xuất dầu có mục tiêu sản xuất 100 triệu thùng mỗi năm, “quý vị cần 6 triệu thùng chỉ để bù đắp cho sự sụt giảm.”
Ông Nasser nói, “Vì vậy cần có sự đầu tư. Và các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư cần bảo đảm rằng có đủ nguồn đầu tư sẵn có vào lĩnh vực này… Nếu không, sự đầu tư dưới mức cần thiết sẽ có tác động đến nguồn cung cấp trong trung và dài hạn.”
Chính sách ESG gây áp lực lên ngành dầu khí
Ông Nasser cũng cho rằng việc phổ biến rộng rãi các chính sách về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ.
Trong bài trình bày tại Diễn đàn Thị trường Vốn Saudi năm 2023 hồi tháng Hai, ông Nasser nói rằng ESG “rõ ràng là một xu hướng đang gia tăng” trên các thị trường vốn. Mặc dù cảm thấy ESG là một bước đi “đúng hướng,” nhưng ông Nasser đã bày tỏ lo lắng về những chính sách hiện đang nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ.
Ông nói, “Nếu các chính sách do ESG định hướng được thực hiện với thành kiến tự động chống lại bất kỳ và tất cả các dự án năng lượng thông thường, thì việc đầu tư dưới mức cần thiết sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đối với khả năng chi trả năng lượng, và đối với an ninh năng lượng.”
“Thật không may, đó chính xác là những gì đang diễn ra hiện nay. Chi phí vốn cho các dự án dầu khí đã tăng lên do rủi ro được nhận thấy cao hơn, và khan hiếm vốn là một hiện tượng phổ biến, do ESG thúc đẩy.”
Theo phong trào ESG, 114 ngân hàng đại diện cho 38% tài sản ngân hàng toàn cầu đã ký Tuyên bố Cam kết của Liên minh Ngân hàng Phát thải ròng bằng Không (NZBA) của Liên Hiệp Quốc, trong đó họ cam kết “chuyển đổi” danh mục cho vay của mình để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 hoặc sớm hơn. NZBA được ra mắt hồi tháng 04/2021.
Bank of America, Citibank, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley, và Wells Fargo nằm trong số các ngân hàng tham gia cam kết.
Ngoài ra, một sáng kiến do nhà đầu tư khởi xướng có tên Climate Action 100+ đã nhận được sự ủng hộ từ 700 công ty đầu tư đại diện cho 68 ngàn tỷ USD tài sản toàn cầu. Mục đích của sáng kiến này là bảo đảm rằng “các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới thực hiện các hành động cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times năm ngoái, ông Anthony Gallegos, Giám đốc điều hành của Independence Contract Drilling, nói rằng “ngành công nghiệp của chúng tôi đang thiếu vốn.” Ông nêu lên thực trạng rằng các ngân hàng không sẵn lòng cung cấp các hạn mức tín dụng quay vòng hoặc các phương tiện cho vay dựa trên tài sản (ABLF) cho ngành dầu khí.
Ông nói: “Có lẽ chỉ có một phần ba số ngân hàng ngày nay sẵn sàng cung cấp hạn mức tín dụng quay vòng và ABLF cho các công ty dịch vụ [dầu khí] so với số ngân hàng sẵn sàng cho vay sáu năm về trước.”
“Có những nhà đầu tư, có những nguồn tài trợ, có những quan hệ đối tác hạn chế, mà một số trong đó trước đây đã từng đầu tư vào năng lượng, nhưng ngày nay họ được ủy quyền rằng họ không thể đầu tư vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nữa.”
Các chính sách chống nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Tổng thống Biden càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với ngành dầu khí Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã ban hành một số biện pháp nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và hạn chế nhiên liệu hóa thạch. Các biện pháp này bao gồm hạn chế cho thuê dầu khí, tái tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris, và thúc đẩy mở rộng xe điện.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times