NASA tìm thấy ngoại hành tinh cỡ nhỏ có hơi nước trong bầu khí quyển
Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA đã quan sát thấy sự hiện diện của hơi nước trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh cách chúng ta 97 năm ánh sáng. Đây là ngoại hành tinh nhỏ nhất có hơi nước trong bầu khí quyển từng được biết đến, và có thể là một ví dụ về việc hành tinh có bầu khí quyển chứa nước ở những nơi khác trong Hệ Ngân hà.
Hôm 25/01, trong một thông cáo báo chí, NASA cho biết, kính viễn vọng Không gian Kepler của NASA đã phát hiện ra ngoại hành tinh có tên GJ 9827d vào năm 2017. Đường kính của nó chỉ lớn gấp khoảng hai lần Trái Đất. Nó quay quanh hằng tinh mẹ GJ 9827 (một sao lùn đỏ) với chu kỳ quỹ đạo là 6.2 ngày. Ngoại hành tinh này và hằng tinh mẹ GJ 9827 nằm trong chòm sao Song Ngư, cách Trái Đất 97 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học sau đó đã phát hiện ra sự hiện diện của hơi nước trong bầu khí quyển của GJ 9827d thông qua kính viễn vọng Không gian Hubble. Họ gọi đây là “khám phá mang ý nghĩa bước ngoặt.”
Cô Laura Kreidberg, một trong những nhà nghiên cứu chính tại Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức, cho biết: “Việc phát hiện ra nước trên một hành tinh nhỏ như vậy là một khám phá mang ý nghĩa bước ngoặt. Nó tiến gần hơn bao giờ hết tới việc mô tả đặc điểm thực sự của các hành tinh giống Trái Đất.”
Ông Björn Benneke, nhà thiên văn học tại Đại học Montréal ở Canada, nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp thông qua đo đạc khí quyển mà phát hiện ra rằng, những hành tinh có bầu khí quyển chứa nước này thực sự tồn tại gần các hằng tinh khác.”
Ông Benneke cho biết, phát hiện này là một bước quan trọng trong việc xác định sự phổ biến và đa dạng của khí quyển trên các hành tinh nham thạch.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xác định xem, phép đo quang phổ của kính viễn vọng Không gian Hubble đo được là một lượng nhỏ hơi nước trong bầu khí quyển giàu hydro, hay bầu khí quyển chủ yếu là nước của hành tinh này là những gì còn sót lại sau khi bầu khí quyển hydro/heli ban đầu bốc hơi dưới bức xạ của hằng tinh. Điều này còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Bởi vì hành tinh này nóng như sao Kim, với nhiệt độ lên tới 800 độ F (khoảng 425 độ C), nếu bầu khí quyển của nó chủ yếu là hơi nước, chắc chắn nó sẽ là một thế giới đầy hơi nóng và không thể ở được.
Ông Benneke cho biết, nhóm nghiên cứu hiện đang đề xuất hai tình huống có thể xảy ra. Một là, bầu khí quyển của GJ 9827d rất giàu hydro và hơi nước, như thế nó có thể là một phiên bản thu nhỏ của Sao Hải Vương. Hai là, GJ 9827d giống như vệ tinh Europa của Sao Mộc (lớp vỏ của nó có thể có đại dương), nhưng tương đối ấm hơn.
Ông Björn Benneke nói, có thể GJ 9827d có một nửa là nước, một nửa là nham thạch. Cũng có thể có rất nhiều hơi nước phía trên một số cấu trúc đá tương đối nhỏ của hành tinh này.