Giá dầu leo thang, Hoa Kỳ và thế giới vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Khi Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, việc nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga đã tạo ra một làn sóng phản ứng chính sách cùng với sự phản đối từ các nhà lập pháp Hoa Kỳ tìm cách ngừng nhập cảng và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Dầu thô Brent, một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng, đã tăng kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu hôm 24/02, tăng từ dưới 97 USD/thùng lên hơn 107 USD/thùng vào ngày 01/03.
Với 524 triệu tấn vào năm 2021, Nga sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế báo cáo rằng các điểm đến hàng đầu cho loại dầu đó bao gồm OECD Âu Châu và Trung Quốc, những quốc gia lần lượt nhận được khoảng 60% và 20% xuất cảng dầu của Nga.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), nhập cảng dầu thô của Hoa Kỳ từ Nga đã tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái (2021), tăng lên mức trung bình 209,000 thùng/ngày vào năm 2021 từ mức trung bình hàng ngày khoảng 76,000 thùng vào năm 2020, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA).
Tháng 11/2021, Nga cung cấp 595,000 trong tổng số gần 8.5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và các sản phẩm do Hoa Kỳ nhập cảng, theo EIA — chiếm 7% tổng số hàng nhập cảng đó.
Ông Sean Strawbridge, Giám đốc Điều hành của Cảng Corpus Christi, Texas, trung tâm xuất cảng dầu thô thống trị của đất nước, cho biết Hoa Kỳ đã nhập cảng nhiều dầu thô của Nga hơn để thay thế dầu thô nặng hơn của Venezuela sau khi Hoa Thịnh Đốn trừng phạt công ty dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela.
Nhiều nhà máy lọc dầu dọc theo vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ được thiết kế để xử lý các loại dầu thô nặng hơn thay vì các loại nhẹ hơn từ lưu vực Permian ở Tây Nam Hoa Kỳ.
Ông Strawbridge nói: “Những gì chúng tôi hy vọng sẽ thấy là nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ được trang bị lại để có thể tinh chế dầu thô nhẹ hơn, ngọt hơn, nhưng đó là những nguyên liệu thô đắt tiền hơn.”
Ông nói với The Epoch Times rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại của Hoa Kỳ sẽ không có tác dụng gì nhiều vì chúng cho phép dầu và khí đốt của Nga tiếp tục chảy.
Trên một trang web về cuộc xung đột Nga-Ukraine, IEA cho biết cuộc xâm lược “vẫn chưa dẫn đến việc mất nguồn cung ứng dầu cho thị trường.” Trước khi phát hành bản tin này, các quan chức IEA chưa trả lời một yêu cầu bình luận của The Epoch Times về việc liệu điều đó có còn đúng nữa không.
Hôm 01/03, Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên IEA khác đã đồng ý xuất kho 60 triệu thùng dầu. Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ xuất 30 triệu thùng từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của mình.
Nga sản xuất 11 triệu thùng dầu mỗi ngày và Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Toàn thế giới tiêu thụ khoảng 97 triệu thùng dầu mỗi ngày, có nghĩa là lượng dầu giải phóng ra tương đương với khoảng 16 giờ tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ông Strawbridge nói: “Điều đó không tạo ảnh hưởng gì.”
IEA không bao gồm các quốc gia đông dân nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ, từ lâu đã phụ thuộc vào vũ khí của Nga, đã không trừng phạt cũng như không lên án rõ ràng Moscow về hành động của họ ở Ukraine. Trung Quốc cũng vậy, quốc gia gần đây đã ký hợp đồng đường ống dẫn khí đốt kéo dài 30 năm với nước này.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cũng đã không áp dụng lệnh trừng phạt Nga.
“Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ hình thức trả đũa kinh tế nào bởi vì chúng tôi muốn có mối bang giao tốt với tất cả các chính phủ trên thế giới.”
Công ty năng lượng nhà nước Lukoil của Nga gần đây đã mua 50% cổ phần trong một dự án dầu khí ngoài khơi của Mexico.
Canada đã chuyển sang cấm nhập cảng dầu của Nga — tuy nhiên nước này nhập cảng rất ít dầu từ Nga.
Tại Hoa Kỳ, một số nhà lập pháp đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt năng lượng mạnh mẽ đối với Nga cũng như các biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong một tuyên bố hôm 28/02, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) đã kêu gọi chính phủ ông Biden “hành động ngay lập tức, bao gồm cả việc cấm nhập cảng dầu thô từ Nga.”
Ông nói, “Nếu có thời gian cần phải độc lập về năng lượng thì bây giờ là thời điểm đó.”
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas) lập luận rằng Hoa Kỳ nên mở lại đường ống Keystone XL và loại bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu khí trong nước. Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã trả lời bằng cách gọi khuyến nghị của ông Cotton về đường ống Keystone là một “chẩn đoán sai” trong cuộc phỏng vấn hôm 27/02 với ông George Stephanopoulos của ABC News.
Trong cuộc phỏng vấn đó, bà Psaki nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga “chắc chắn đã có trên bàn”.
“Chúng tôi cũng muốn làm điều đó và bảo đảm rằng chúng tôi đang giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu và làm điều đó một cách thống nhất.”
Ông Strawbridge nói: “Chính phủ này đã bước ra với dây giày buộc lại với nhau đối với chính sách năng lượng của họ. Giờ đã đến lúc họ phải cởi dây giày.”
“Chúng ta cần khoan dầu nhiều hơn.”
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: