Đồng hành kề bên: Dẫn lối người trẻ vượt qua bão giông
Tuổi trẻ phạm sai lầm là điều khó tránh khỏi, nhưng sự dẫn dắt của người đi trước có thể giúp ích họ.
Này các bạn nhỏ, để tôi kể bạn nghe một bí mật đặc biệt
Đó là về những sai lầm nhỏ bạn mắc phải khi bắt đầu lớn lên.
Nếu mắc lỗi, bạn không nên bật khóc
Sai lầm không phải gì đó quá tệ, bởi vì…
À, ai cũng từng mắc sai lầm.
Ồ, đúng là vậy đó.
Chị gái, anh trai, và cả cha mẹ nữa
Người lớn, trẻ nhỏ, mọi người trên đời
Ai cũng từng mắc sai lầm, vậy tại sao bạn lại không thể?
Cách đây nhiều năm, nhân vật Big Bird đã hát vang những lời này trên chương trình “Sesame Street” sau khi ông Hooper làm đổ một ly sữa, và đây là bài hát mà trẻ em cần lắng nghe. Làm vỡ bóng đèn khi đá bóng trong nhà, đổ nước khi chạy xuống cầu thang, quên mang thú bông đến trường để thuyết trình — đây là những bài học dành cho lứa tuổi mẫu giáo và mầm non.
Nhưng câu hát về “những sai lầm nhỏ” này chỉ áp dụng cho những sai lầm do khinh suất. Đối với một thiếu niên, và đối với tất cả chúng ta, những sai lầm nhỏ là chuyện xảy ra như cơm bữa vậy. Ví dụ như, Johnny vẫn quên làm bài tập ở trường; chỉ có điều lần này là bài tập đại số thay vì là một chú thỏ đồ chơi.
Vậy còn hậu quả của những sai lầm lớn đối với người trẻ thì sao? Sai lầm trong phán đoán, chẳng hạn như vay một khoản tiền khổng lồ để theo học một tấm bằng về nghệ thuật sân khấu? Dần dần ngã vào vòng xoáy lạm dụng ma túy hoặc rượu? Hay việc cô gái 17 tuổi đột ngột phải bước vào cuộc sống của người trưởng thành khi cô [trót] mang thai?
Đối với những tai họa này, thì câu hát “Sai lầm không phải gì đó quá tệ” không còn phù hợp nữa.
Tìm kiếm sự giúp đỡ và hy vọng
Đối với người trẻ tuổi, việc phạm sai lầm — một số sai lầm có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời — là điều khó tránh khỏi. Thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 vẫn đang tìm kiếm con đường bước vào thế giới người lớn, rời khỏi nhà, đi học hoặc gánh vác một công việc thực sự, kết bạn mới, và bắt đầu những cuộc phiêu lưu. Khi một số quyết định mà họ đưa ra đi chệch hướng, họ bị bỏ lại giữa đống đổ nát, bàng hoàng trước mớ hỗn độn mình gây nên và không biết tiếp theo phải làm gì hoặc rẽ vào đâu.
Đây là lúc nhiều người trẻ tuổi có thể tìm đến sự hiện diện và dẫn dắt của một người lớn, người đã đi qua những nẻo đường đầy chông gai và hỗn loạn mà họ chưa từng biết đến. Suy cho cùng, điểm khác biệt chính giữa cô sinh viên năm hai 19 tuổi và người bà 70 tuổi của cô là khoảng cách mênh mông về kinh nghiệm và kiến thức giữa họ. Cô bé thiếu niên đó chỉ mới bắt đầu xây dựng cây cầu bắc qua khoảng cách thăm thẳm này, trong khi người bà đã để lại phía sau một dãy những chiếc dầm, những thanh xà được rèn giũa từ trải nghiệm sống cả một đời.
Nếu cô có người bà bầu bạn, thì cô biết rằng nếu mình mắc sai lầm, cô có thể nương tựa vào bà, nhờ bà giúp đỡ và cho lời khuyên. Những người còn lại trong chúng ta — cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, huấn luyện viên, và người cố vấn — cũng có thể thấy mình như một bến đỗ trong cơn bão cho một người trẻ đang gặp khó khăn. Dưới đây là một số lời khuyên giúp cuộc gặp gỡ đó trở nên có ý nghĩa nhất có thể.
Mang lại cảm giác yên bình trên bàn trò chuyện
Bà Anne bạn tôi là một người phụ nữ khôn ngoan. Bà là mẹ của bốn đứa con và là bà của rất nhiều cháu. Khi tôi hỏi bà sẽ ứng xử ra sao với một đứa cháu mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng và đến gặp bà để xin lời khuyên hoặc một bờ vai để tựa vào, câu trả lời của bà khiến tôi ngạc nhiên.
“Trước khi nói bất cứ điều gì,” bà kể với tôi, “tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu tôi tự đọc lại Lời Kinh Thanh Thản (The Serenity Prayer).” Bà dừng lại rồi nói thêm, “Tôi cần sự thanh thản đó hơn bất cứ điều gì khác.”
Lắng nghe và học hỏi
Một cuộc trò chuyện chân tình với một sinh viên đại học đang suy sụp vì bị bạn trai lừa dối hoặc một cuộc trò chuyện với chàng trai trẻ vừa bị sa thải khỏi công việc đầu tiên nhất định phải là cuộc trò chuyện một chiều. Nghĩa là, nhiệm vụ chính của bạn là lắng nghe. Bạn có thể đặt câu hỏi nếu cần làm rõ thông tin, đưa ra nhận xét nếu thấy phù hợp hoặc khi được yêu cầu, nhưng nếu không thì hãy để bạn trẻ đang đau khổ ấy tâm sự trong khi bạn lắng nghe. Điều đó giúp ích cho họ và giúp bạn nhanh chóng nắm bắt đầy đủ vấn đề.
Tránh biến họ thành nạn nhân
Khi những người trẻ kể lại tai họa mà họ đã gây ra hoặc phải gánh chịu, đừng quên rằng bạn chỉ mới nghe được một phần câu chuyện. Người bạn trẻ bị sa thải này có thể đổ lỗi cho người chủ trong khi tự đưa ra bao biện có lợi nhất cho mình, nhưng chúng ta có thể đoán chắc rằng người chủ của cậu ấy sẽ kể câu chuyện này theo góc nhìn hoàn toàn khác.
Chúng ta nên thông cảm với người trẻ, nhưng trừ khi có lý do rõ ràng khác, đừng biến họ thành nạn nhân. Cách tiếp cận đó chỉ tạo điều kiện và duy trì một tư tưởng thất bại trong tương lai.
Đưa ra gợi ý thay vì lời khuyên
Chúng ta thường cho rằng “lời khuyên” và “gợi ý” có nghĩa giống nhau. Tuy nhiên, giữa hai từ này có một điểm khác biệt tinh tế nhưng rất quan trọng khi khuyên bảo người trẻ.
Trong bài viết “Cho lời khuyên so với Đưa ra gợi ý,” nhà huấn luyện Gabrielle Gatta viết: “Không cho lời khuyên mà thay vào đó là đưa ra gợi ý có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là, thay vì nói ‘con/cháu nên làm điều này hay điều nọ’ từ vị thế bề trên, thì chúng ta mang theo tâm thái tò mò và chia sẻ kinh nghiệm của mình hoặc bất cứ điều gì chúng ta cảm thấy có liên quan đến vấn đề của người kia dựa trên điều họ bày tỏ.”
Như nhiều bậc cha mẹ của thanh thiếu niên đều biết, các bạn trẻ dễ trở nên cáu kỉnh khi bị ra lệnh phải làm gì đó. Vì vậy, để cuộc đối thoại diễn ra hiệu quả hơn, chúng ta nên chú ý đến lời khuyên của cô Gatta: mang theo sự tò mò thay vì tâm thái bề trên khi trò chuyện. Chúng ta cũng có thể nhẹ nhàng dẫn dắt cuộc trò chuyện bằng cách sử dụng các cụm từ như “Con/cháu đã cân nhắc cách tiếp cận này chưa?” hoặc “Thử nghĩ về một số lựa chọn thay thế xem sao!”
Một gợi ý nhẹ nhàng sẽ mang lại tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với câu “Phải làm thế này, nếu không thì….”
Nhớ lại quá khứ của mình
Điều này có thể khó khăn đối với một số người, nhưng chúng ta có thể giúp đỡ người trẻ tốt hơn nếu luôn ghi nhớ về những điều ngốc nghếch mà mình đã làm khi còn trẻ. Dù chúng ta không bắt buộc phải chia sẻ quá khứ đầy lỗi lầm của mình với cháu trai hay cháu gái, nhưng chúng ta nên khắc ghi rằng những sai lầm và dại khờ cũng là một phần trong quá khứ của bản thân. Việc nhớ lại những lỗi lầm mang đến cho ta sự khiêm tốn chừng mực, tiết chế những phán xét, và làm cho các gợi ý chúng ta đưa ra trở nên có giá trị hơn.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times