Các nhà thiên văn học khám phá ra loại hằng tinh mới ‘Old Smoker’ trong Hệ Ngân hà
Hôm 26/01, các nhà thiên văn học tuyên bố, họ đã phát hiện ra một loại hằng tinh cổ xưa mới có kích thước rất lớn ẩn tàng ở trung tâm Hệ Ngân hà. Ngôi sao lớn có màu đỏ và cổ xưa này chưa từng được nhìn thấy trước đây. Bởi vì nó phun nhả ra các luồng khói nên được đặt tên là “Old smoker.”
Trong một thông cáo báo chí, Đại học Hertfordshire ở Anh quốc tuyên bố, nhóm nghiên cứu quốc tế do ông Philip Lucas, Giáo sư vật lý thiên văn tại trường đại học này dẫn đầu, đã phát hiện ra hằng tinh này ở trung tâm Hệ Ngân hà. Nó có thể đã an tĩnh trong nhiều thập niên và dần dần mờ đi đến mức khó nhìn thấy được, sau đó đột ngột phun ra từng đám khói.
Ông Lucas nói với hãng thông tấn AFP rằng, trước đây, các nhà khoa học chưa bao giờ nhìn thấy hành vi kỳ lạ này ở một ngôi sao khổng lồ đỏ. “Điều đáng ngạc nhiên về khám phá mới này là, chúng tôi nhìn thấy ngôi sao an vị ở đó và không làm gì cả.”
Sau đó, những ngôi sao này đột nhiên mờ đi từ 40 đến 100 lần. Đôi khi, nó mờ đến mức ánh sáng hồng ngoại của kính thiên văn cũng không nhìn rõ. Nhưng sau vài năm, nó dường như đã trở lại trạng thái tươi sáng trước đây mà không hề báo trước.
Ông Lucas nói rằng, dựa trên dữ liệu đã biết để phán đoán, đây là tình huống hằng tinh phun khói nhưng chưa rõ nguyên nhân. Khói được nhả ra từ những ngôi sao này tạm thời che khuất chúng, khiến các nhà nghiên cứu khó nhìn thấy rõ được.
Trong suốt 10 năm, các nhà khoa học đến từ Anh, Chile, Nam Hàn, Brazil, Đức và Ý đã quan sát khoảng một tỷ hằng tinh thông qua Kính viễn vọng VISTA 4-m (Visible and Infrared Survey Telescope for Astronomy) đặt ở Chile, cuối cùng đã thu được phát hiện mang tính đột phá này.
Họ cũng phát hiện ra 32 hằng tinh mới sinh khá hiếm được gọi là tiền sao (protostar). Chúng đã trải qua các vụ nổ lớn trong nhiều tháng, nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Đây là một phần của quá trình hình thành các hệ sao mới.
Hầu hết các hằng tinh mới được phát hiện đều ẩn tàng giữa khối bụi và khí khổng lồ trong Hệ Ngân hà. Điều này khiến việc quan sát chúng không thể thực hiện bằng ánh sáng có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, ánh sáng hồng ngoại có thể xuyên qua khối bụi và khí khổng lồ này, cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy các hằng tinh mới.
Ông Lucas cho biết, khoảng ⅔ số hằng tinh mà họ quan sát được có thể dễ dàng phân loại thành các loại hằng tinh khác nhau, trong khi số còn lại thì khó phân loại hơn. Vậy nên, họ đã sử dụng Kính viễn vọng VLT (Very Large Telescope) của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại Nam bán cầu để thu được quang phổ cá biệt của các hằng tinh còn lại.
Quang phổ cho phép các nhà nghiên cứu biết họ có thể nhìn thấy bao nhiêu ánh sáng ở các bước sóng khác nhau. Từ đó, nó cho phép xác định rõ hơn những vật thể họ đang nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện lần này có thể thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về cách phân bố các nguyên tố trong không gian.
Ông Lucas nói: “Vật chất thoát ra từ các hằng tinh cổ xưa đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ sinh mệnh của các nguyên tố, giúp hình thành hằng tinh và hành tinh tiếp theo.”
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 21 hằng tinh được gọi là “Old smoker.” Độ sáng của chúng thay đổi và khó nắm bắt trong thời gian 10 năm nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh quang phổ của 7 hằng tinh như vậy với dữ liệu trước đó và đoán định rằng, trên thực tế, chúng là những hằng tinh khổng lồ đỏ mới.
Hôm 26/01, kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên “Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia” (Monthly Notices of the Royal Astronomical Society) của Anh quốc.
Trần Tuấn Thôn thực hiện
Toàn Phong biên dịch