23 năm bị ĐCSTQ bức hại: Pháp Luân Công trở thành ‘nhóm bị áp bức nhất trong xã hội Trung Quốc’ như thế nào
Bị tra tấn, đánh đập, bỏ tù, bị sát hại, và bị tẩy chay. Mỗi ngày, các học viên Pháp Luân Công đều phải chịu đựng những sự ngược đãi như vậy dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong 23 năm qua.
Những câu chuyện về sự ngược đãi đối với họ bao gồm bị kết án vào trại lao động cưỡng bức, bị giật điện bằng dùi cui điện, bị tước đoạt giấc ngủ, bị cưỡng bức tình dục, bị từ chối việc làm hoặc bị đuổi học, và nhiều hình thức ngược đãi khác — tất cả đều chỉ vì đức tin của họ.
Các nạn nhân bao gồm từ trẻ em mới một tuổi — bị giam giữ và buộc phải chứng kiến cảnh cha mẹ các em bị tra tấn — cho đến những cụ ông cụ bà bị tra tấn đến thiệt mạng. Sự đối xử tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công không bỏ qua ngay cả những người dễ bị tổn thương nhất.
“Chiến dịch của ĐCSTQ đã biến các học viên Pháp Luân Công trở thành nhóm bị áp bức nhất trong xã hội Trung Quốc,” một báo cáo năm 2019 có nhan đề “Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua” của Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nêu rõ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Hoa gồm năm bài tập tĩnh tại và các bài giảng dựa trên các nguyên lý: chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính số lượng người theo học tại thời điểm đó là 70 triệu đến 100 triệu người.
Lo sợ số lượng học viên này là một mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của mình, chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã phát động một chiến dịch truy quét nhằm xóa bỏ môn tu luyện này bắt đầu từ ngày 20/07/1999, một chiến dịch mà vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác, và hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn khi bị giam giữ, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Những học viên bị giam giữ cũng từng là nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức, dẫn đến số lượng không kể xiết các học viên bị sát hại để lấy nội tạng của họ cung cấp cho thị trường ghép tạng ở Trung Quốc.
Vô số câu chuyện về bức hại
Trong hơn 20 năm qua, Minh Huệ đã thu thập và công bố các câu chuyện cá nhân về cuộc bức hại này, hệ thống hóa và tổ chức lại theo các bằng chứng được quan sát trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cho mục đích của báo cáo nói trên.
“Không cuốn sách nào có thể kể hết hàng trăm hàng ngàn trường hợp bị bức hại mà chúng tôi đã ghi lại,” ông Lý Đại Vệ (David Li), đến từ Trung tâm Xuất bản Minh Huệ, nói với The Epoch Times. “Chúng tôi có các học viên bị bắt, bị bỏ tù, bị tra tấn, thậm chí bị sát hại … mục đích của tất cả những điều đó là buộc họ từ bỏ đức tin vào chân, thiện, và nhẫn.”
Các hình thức ngược đãi như vậy bao gồm việc giam giữ các học viên trong các trung tâm tẩy não, trại lao động cưỡng bức, và các bệnh viện tâm thần.
Minh Huệ đã mô tả 100 phương pháp tra tấn được sử dụng đối với các học viên bị giam giữ, chẳng hạn như đánh đập, bức thực, giật điện, làm ngạt thở, cưỡng bức tình dục, cưỡng bức phá thai, tước đoạt giấc ngủ, làm bỏng bằng nước nóng hoặc dầu, và những phương pháp khác.
Nhưng ngoài những câu chuyện ghê rợn về tra tấn và cái chết trong các trung tâm giam giữ, cuốn sách còn làm sáng tỏ hơn những khía cạnh bị bỏ qua của cuộc bức hại này, chẳng hạn như việc trẻ em phải chịu đựng đau khổ và các học viên phải đối mặt với sự tẩy chay.
Những nạn nhân trẻ thơ
Theo báo cáo của Minh Huệ, con của các học viên Pháp Luân Công cũng đã trở thành nạn nhân của chiến dịch xóa sổ của ĐCSTQ.
Một số trẻ em đã bị giam giữ và bức hại thân thể. Còn những em khác thì bị thiệt hại liên đới do người thân của các em là nạn nhân của cuộc bức hại.
Nhiều trẻ em trở thành trẻ mồ côi vô gia cư hoặc bị bỏ mặc để tự bươn trải cuộc sống vì cha mẹ của các em bị bỏ tù hoặc sát hại. Những em khác thì bị tổn thương tâm lý sau khi cha mẹ của các em bị tra tấn, hoặc nhà của các em bị lục soát.
Một số em bị tước quyền học hành vì tu luyện Pháp Luân Công, hoặc với mục đích ép buộc cha mẹ các em từ bỏ đức tin của mình.
Hầu hết con của các học viên đều phải chịu hậu quả của sự phân biệt đối xử từ phía những người bạn đồng trang lứa bị tẩy não nặng nề chống lại Pháp Luân Công của mình. Các em trở thành những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, bị sỉ nhục và bắt nạt.
“Việc lớn lên trong nỗi sợ hãi và chứng kiến cảnh người thân của mình bị bắt và tra tấn hết lần này đến lần khác sẽ ảnh hưởng lâu dài đến những đứa trẻ này, đến gia đình họ hàng và con em của chính họ,” báo cáo cho biết.
Em bé 1 tuổi bị giam trong trung tâm tẩy não
Cuốn sách trên Minh Huệ đề cập đến trường hợp của Quách Nguyệt Đồng (Guo Yuetong), một bé gái 1 tuổi đã trải qua một năm tại Trung tâm Tẩy não huyện Xương Lê ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc vào năm 2001 khi cô bé bị giam giữ cùng mẹ, một học viên Pháp Luân Công.
Đứa trẻ đã chứng kiến mẹ em bị tra tấn, cụ thể là bị đánh đập, bức thực, và giật điện bằng roi điện.
“Bất cứ khi nào lính canh tra tấn mẹ cô bé, Nguyệt Đồng đều sợ hãi đến mức em trốn vào một góc và khóc,” báo cáo cho biết.
Nguyệt Đồng bước sang tuổi thứ 3 khi vẫn ở trung tâm tẩy não. Cô bé và mẹ mình lại bị bắt giam ba năm sau đó.
Bé gái 13 tuổi bị bức thực trong trung tâm tẩy não
Trần Tư (Chen Si) mới 13 tuổi và đang học trung học cơ sở ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc khi cô bé bị bắt vì phân phát thông tin về Pháp Luân Công vào năm 2001.
Cảnh sát đã đánh đập cô bé và đưa em đến Trung tâm Tẩy não thị trấn Ca Nhạc Sơn, quận Sa Bình Bá, thành phố Trùng Khánh, nơi cô bé bị thẩm vấn.
Cô gái trẻ bắt đầu tuyệt thực để phản đối, vì vậy cảnh sát đã bức thực cô trong hai tuần.
Sau khi được thả, cô bé không được phép quay lại trường học vì vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.
Thiếu nữ bị tổn thương tâm lý sau khi chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị tra tấn
Vào tháng 04/2003, cảnh sát đã buộc cô Viên Viên (Yuanyuan), một thiếu nữ 16 tuổi đến từ tỉnh Hắc Long Giang, miền bắc Trung Quốc, chứng kiến cảnh họ trói cha mẹ cô vào “ghế cọp” — một thiết bị tra tấn được thiết kế để gây ra những cơn đau không thể chịu đựng được ở chân — và tra tấn họ bằng những phương pháp tương tự khác.
Cảnh sát cũng ép bố mẹ cô ăn một lượng lớn dầu mù tạt qua miệng và mũi, và khiến họ ngạt thở bằng cách trùm túi ni lông qua đầu họ.
Sau khi Viên Viên và cha mẹ cô được thả, cảnh sát nói với cô gái trẻ rằng cô phải đứng yên trước tòa nhà chung cư của mình trong nhiều giờ.
“Họ đe dọa sẽ đánh đập bố mẹ cô nếu cô dám di chuyển. Lo sợ rằng cha mẹ mình sẽ bị tra tấn nhiều hơn, Viên Viên đã đứng yên cho đến khi bàn chân cô trở nên sưng tấy và chuyển sang tím tái,” báo cáo của Minh Huệ cho biết.
Những trải nghiệm này đã gây tổn thương sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của Viên Viên. Cô không thể tiếp tục việc học của mình và bắt đầu lang thang trên đường phố, nhặt những thứ trong thùng rác để ăn.
Dù hiện tại đã 32 tuổi nhưng cô Viên Viên vẫn không có khả năng tự chăm sóc cũng như tự lập.
Gieo rắc lòng thù hận đối với Pháp Luân Công
Một yếu tố quan trọng của cuộc bức hại của ĐCSTQ là chiến dịch thông tin sai lệch chống lại môn tu luyện này, nhằm mục đích khiến công dân Trung Quốc quay lưng lại với Pháp Luân Công và các học viên của môn này. Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền chủ yếu dựa vào tuyên truyền, gieo rắc lòng thù hận đối với Pháp Luân Công bằng cách xuyên tạc môn tu luyện này và bôi nhọ các học viên theo học.
Theo báo cáo của Minh Huệ, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã bị tẩy não để thù hận Pháp Luân Công thông qua hệ thống giáo dục, bắt đầu từ cấp tiểu học.
Trẻ em “được huấn luyện để trung thành với ĐCSTQ,” ông Lý Đại Vệ, đại diện của Trung tâm Xuất bản Minh Huệ cho hay.
Trong bối cảnh của chiến dịch bôi nhọ này, chính quyền yêu cầu hàng xóm, các thành viên trong gia đình, và đồng sự trình báo và giao nộp các học viên Pháp Luân Công cho chính quyền, đồng thời phân biệt đối xử với họ.
“Nhà cầm quyền này đã sử dụng thành công hệ thống tẩy não và kiểm soát tư tưởng để khiến con chống lại cha mẹ, chồng chống lại vợ, và học sinh chống lại giáo viên,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cho biết thêm rằng, thông qua tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng, ĐCSTQ đã thành công trong việc khiến mọi người hành động như những tay sai của Đảng trong cuộc đàn áp này.
Cụ bà bị đánh đập dẫn đến tử vong bởi chính con trai của mình
Một ví dụ về những công dân Trung Quốc đóng vai trò là những người làm việc cho Đảng là trường hợp của bà Lục Thục Vinh (Lu Shurong), một cụ bà 77 tuổi ở thành phố Thiên Tân vùng đông bắc, bị chính con trai mình đánh đập dẫn đến tử vong.
Bà Lục đã từng bị bắt vì đức tin của mình trong quá khứ, và con trai của bà, ông Đỗ Tuyết Tùng (Du Xuedong), một cựu quân nhân 50 tuổi, đã nộp tiền bảo lãnh hai lần để bà được thả.
Bởi vì người phụ nữ này đã từ chối việc ngừng tu luyện Pháp Luân Công và điều này có thể cản trở nỗ lực trở thành một nhân viên chính phủ của con trai bà, nên ông đã bắt đầu trở nên thù địch với bà.
Ngày 27/09/2018, trong lúc ngà ngà say, ông Đỗ đã đánh mẹ mình hơn một tiếng đồng hồ, làm gãy cổ tay và mười chiếc xương sườn của bà.
Do một trong những chiếc xương sườn bị gãy làm thủng phổi của bà và khiến nội tạng bà bị thương nặng nên bà đã tử vong sau khi nhập viện 24 ngày.
Phân biệt đối xử
Các học viên Pháp Luân Công ở mọi lứa tuổi đã phải chịu sự phân biệt đối xử ở mọi tầng lớp trong xã hội, hoàn toàn bị những người xung quanh họ xa lánh.
“Bất kể họ là ai, ở bất cứ đâu, miễn là họ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, họ đều bị coi là kẻ thù của Đảng và bị bức hại tàn nhẫn,” cuốn sách nêu rõ.
Các học viên đã bị từ chối giáo dục bằng cách bị đuổi học hoặc không cho vào đại học chỉ vì đức tin của họ.
Họ không được tuyển dụng hoặc bị sa thải khỏi công việc của họ.
Doanh nghiệp của họ đã bị đóng cửa hoặc khách hàng của họ ngừng giao dịch với họ vì đức tin của họ.
Người đàn ông bị khách hàng và hàng xóm đối xử như kẻ thù
Ông Hà Lập Phương (He Lifang) đã bị bắt giam và bị 17 tù nhân đánh đập vì tu luyện Pháp Luân Công.
Là một chủ doanh nghiệp, ông từng rất thành công trước khi cuộc đàn áp bắt đầu. Nhưng do chiến dịch tuyên truyền của ĐCSTQ nhắm vào đức tin của ông, các khách hàng của ông bắt đầu đối xử với ông bằng thái độ thù địch.
“Một người hàng xóm vốn rất thân thiện đã xúc phạm tôi và gia đình tôi. Ngay cả những đứa trẻ đôi khi cũng xúc phạm chúng tôi vì chúng cũng đã bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền,” ông nói với Minh Huệ, trong khi kể lại sự ngược đãi mà ông phải chịu đựng.
Đáp lại bằng lòng bao dung
Theo ông Lý từ Trung tâm Xuất bản Minh Huệ, bất chấp những hành động tàn bạo mà các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng trong suốt 23 năm của cuộc bức hại, cách họ phản ứng với cuộc bức hại này vẫn mang đến hy vọng.
“Họ không thù ghét những kẻ bức hại mình vì họ coi những người đó là nạn nhân… của một hệ thống ĐCSTQ vốn buộc những người đó phải làm trái lương tâm và làm hại đồng bào của mình,” ông Lý nói.
Các học viên đã phản ứng với bạo lực bằng lòng bao dung, cố gắng thuyết phục thủ phạm ngừng tham gia vào cuộc bức hại, và bước ra khỏi “guồng máy bức hại” đó, theo ông Lý.
“Mọi người đều bị đặt vào một vị thế mà họ phải đưa ra một lựa chọn về việc sẽ đồng hành với cuộc bức hại, tiếp tay cho cuộc bức hại hay chống lại nó,” ông nói thêm.
Ông Lý cho biết, sau hơn hai thập niên bị “bức hại tàn khốc nhất, những học viên này vẫn không từ bỏ đức tin của mình, và họ vẫn đang sống theo các giá trị chân, thiện, và nhẫn.”
Cô Danella Pérez Schmieloz là một phóng viên chuyên đưa tin về Trung Quốc.